Không gian du lịch 1: Đất Sen Hồng - Vùng trung tâm TP Cao Lãnh
Trung tâm là thành phố Cao Lãnh phát triển các hoạt động du lịch, văn hóa, kinh tế của vùng trung tâm. Các loại hình du lịch chính như du lịch đô thị, du lịch chính quyền, du lịch văn hóa – tâm linh, du lịch đêm, du lịch MICE, du lịch ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch sông nước sẽ là các loại hình du lịch chủ đạo, tập trung phát triển tại vùng trung tâm.
Trong vùng trung tâm, các điểm du lịch trọng điểm như Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Bảo tàng Đồng Tháp, Văn Thánh Miếu Cao Lãnh, Đình Phong Mỹ, Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường... Đồng thời các khu, điểm du lịch vệ tinh, các dịch vụ bổ trợ như Chợ đêm Cao Lãnh, các lễ hội, sự kiện văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, hoạt động ẩm thực, mua sắm,…cần được phát triển kết nối với các điểm du lịch trọng điểm. Theo đó, vùng trung tâm sẽ trở thành động lực, đầu tàu trong phát triển của ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp.
Không gian du lịch 2: Sắc màu vùng Biên - TP Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng
Tại không gian du lịch 2 gồm TP Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự và huyện Tâm Hồng, lấy trọng tâm phát triển du lịch tại TP Hồng Ngự với các loại hình du lịch như du lịch chính quyền, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch ẩm thực, du lịch MICE, đồng thời kết nối với 2 huyện còn lại là huyện Hồng Ngự và huyện Tân Hồng. Bên cạnh tập trung phát triển các loại hình du lịch chính, không gian du lịch 2 cần chú trọng phát triển kinh tế biên mậu, kinh tế cửa khẩu gắn với loại hình du lịch biên mậu kết hợp mua sắm, và du lịch vùng sông Mê Kông.
Không gian du lịch 3: Thủ phủ Hoa - TP Sa Đéc, huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung, huyện Châu Thành
Tại không gian du lịch 3 tập trung lấy TP Sa Đéc làm trọng tâm trong phát triển du lịch kết nối với các huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung, huyện Châu Thành. Các loại hình du lịch chính cần được phát triển như du lịch nông nghiệp (bao gồm du lịch miệt vườn, du lịch làng nghề), du lịch chính quyền, du lịch sinh thái tại TP Sa Đéc, du lịch nông nghiệp, du lịch ẩm thực tại các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành. Các khu, điểm du lịch trong vùng cần được kết nối, liên kết chặt chẽ với nhau tạo nên các hoạt động trải nghiệm, khám phá độc đáo. Định hướng không gian du lịch 3 sẽ trở thành động lực về du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái gắn kết chặt chẽ với vùng trung tâm và vùng phía Bắc của tỉnh Đồng Tháp.
Không gian du lịch 4: Sen Tháp Mười - huyện Tam Nông, huyện Thanh Bình, huyện Cao Lãnh, huyện Tháp Mười
Tại không gian du lịch 4 gồm huyện Tam Nông, huyện Thanh Bình, huyện Cao Lãnh và huyện Tháp Mười. Theo đó, không gian du lịch này là thủ phủ sinh thái – nông nghiệp cùng với vùng dự trữ tự nhiên Đồng Tháp Mười. Vùng này tập trung phát triển các loại hình du lịch chính như du lịch sinh thái gắn với VQG Tràm Chim, Khu du lịch Gáo Giồng, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh gắn với Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quít,… Đồng thời, với lợi thế tự nhiên, thổ nhưỡng phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp tại vùng Đồng Tháp Mười với các sản phẩm trải nghiệm du lịch nông nghiệp độc đáo. Kết hợp hài hòa các loại hình du lịch như du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch sông nước,…gắn với các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng và kết nối với các không gian du lịch khác trong tỉnh Đồng Tháp.
Theo đó, 13 loại hình du lịch được tập trung theo 4 không gian du lịch định hướng đến năm 2030 của tỉnh Đồng Tháp theo thứ tự ưu tiên như sau:
Du lịch chính quyền: Tập trung phát triển tại các đô thị của tỉnh Đồng Tháp như TP Cao Lãnh, TP Hồng Ngự, TP Sa Đéc và các huyện lị, với các hoạt động tham quan, kết nối với các dịch vụ chính quyền, doanh nghiệp tại các trụ sở công vụ.
Du lịch văn hóa – lịch sử: Phát triển du lịch văn hóa - lịch sử gắn với các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh như Khu di tich Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quít và các di tích lịch sử tiêu biểu khác của tỉnh Đồng tháp.
Du lịch sinh thái: Với tài nguyên du lịch sinh thái đặc sắc, loại hình du lịch sinh thái là một trong những loại hình cần được đẩy mạnh phát triển tại các khu, điểm như VQG Tràm Chim, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng...
Du lịch nông nghiệp: Loại hình du lịch nông nghiệp sẽ là loại hình du lịch quan trọng của tỉnh Đồng Tháp và có nhiều tiềm năm để phát triển gắn với tài nguyên và nền nông nghiệp phong phú của tỉnh Đồng Tháp. Loại hình du lịch này cần tập trung phát triển tại các huyện thị có tiềm năng, lợi thế như: Huyện Tháp Mười, huyện Lai Vung, huyện Cao Lãnh, TP Sa Đéc…
Du lịch sông nước: Phát triển loại hình du lịch sông nước dọc tuyến sông Tiền và sông Hậu với các khu vực cồn trên sông như cồn Bình Thạnh,... tạo nên hành trình du lịch khám phá sinh thái, văn hóa trên sông độc đáo và hấp dẫn của tỉnh Đồng Tháp. Tập trung khai thác lượng lớn khách quốc tế đi tàu ngủ đêm ngang qua địa phương.
Du lịch cộng đồng: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với làng văn hóa du lịch cộng đồng tại làng hoa kiểng Sa Đéc và các huyện, thành phố trong tỉnh phát triển sản phẩm du lịch mới trên nền tảng của mô hình Hội quán du lịch như dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay, dịch vụ ăn uống, dịch vụ trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt cùng người dân địa phương... nhưng phải chuyên nghiệp, bài bản, có quy hoạch và bảo tồn bản sắc.
Du lịch đêm: Phát triển loại hình du lịch đêm với các hoạt động du lịch như phố đi bộ đêm, mua sắm, chợ đêm, biểu diễn nghệ thuật đêm, du thuyền trên sông.... tại các đô thị như TP Cao Lãnh, TP Hồng Ngự, TP Sa Đéc hay các hoạt động lễ hội, tâm linh về đêm tại huyện Tháp Mười (Gò Tháp), huyện Cao Lãnh ( Xẻo Quít)... góp phần đa dạng hóa các hoạt động du lịch tại các đô thị của tỉnh Đồng Tháp.
Du lịch MICE: Tập trung phát triển các hoạt động du lịch hội thảo, hội nghị, sự kiện tại các đô thị như TP Cao Lãnh. Xây dựng thành phố trở thành trung tâm, thành điểm du lịch MICE của tỉnh Đồng Tháp và vùng ĐBSCL. Có thể chọn lọc các lễ hội riêng có của Đồng Tháp như: Lễ hội Sen, Lễ hội Cá tra, Lễ hội Xoài, Lễ hội Quýt... tạo điểm nhấn thu hút khác.
Du lịch ẩm thực: Khai thác các giá trị văn hóa ẩm thực của tỉnh Đồng Tháp vào phát triển du lịch ẩm thực, đặc biệt là các món ăn truyền thống, bản địa gắn với các loại sản vật nông nghiệp địa phương như sen, các, thủy sản, nông sản... Với số lượng kỷ lục các món ăn từ sen, các món yến tiệc cá tra đang dần trở thành thương hiệu riêng của Đồng Tháp, du lịch ẩm thực có thể trở thành điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch địa phương.
Du lịch tâm linh: Phát triển loại hình du lịch tâm linh là một trong những loại hình du lịch trọng tâm gắn với các di tích tâm linh, khu du lịch tâm linh, các lễ hội gắn bó với đời sống văn hóa, tâm linh của ngừoi dân Đồng Tháp, vận dụng và khai thác trong phát triển loại hình du lịch tâm linh như: Ngày vía Bà chúa xứ, ngày giỗ Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều, ngày giỗ Ông bà Đỗ Công Tường…
Du lịch chăm sóc sức khỏe: Phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe tại các đô thị lớn như: TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc hay huyện Tháp Mười để khai thác thị trường khách du lịch đi du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe với các tiềm năng từ nguồn thảo dược từ sen, hoa và một số cây thuốc khác của vùng Đồng Tháp Mười và lực lượng y, bác sĩ, thầy thuốc y học cổ truyền Đồng Tháp.
Du lịch mua sắm: Phát triển các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm OCOP, sản vật địa phương... hình thành loại hình du lịch mua sắm. Tập trung các trung tâm mua sắm tại các điểm du lịch, các huyện, thành phố và khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Dù Đồng Tháp hiện nay chưa phải là địa chỉ thu hút các nhãn hàng và thương hiệu lớn của Việt Nam và quốc tế nhưng mua sắm là nhu cầu không thể thiếu của du khách và cũng góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch nên ngành du lịch có thể xem đây là loại hình du lịch bổ trợ.
Du lịch biên mậu: Lợi thế biên giới với Campuchia, do vậy tỉnh Đồng Tháp cần tập trung phát triển loại hình du lịch mậu biên với các hoạt động du lịch dọc tuyết biên giới, trao đổi hàng hóa, phát triển giao lưu văn hóa và kinh tế vùng biên giới. Việc giao thương giữa các cửa khẩu hai nước VieetsNam - Campuchia chưa nhiều bằng các địa phương khác nhưng lợi thế vùng biên cần thiết phải được quan tâm.
KHÁNH VÂN