Đoàn khảo sát tiến độ thi công Đề án bảo tồn Sếu tại Khu A3, Vườn Quốc gia Tràm Chim
Bí thư Tỉnh ủy - Lê Quốc Phong kiểm tra thực địa Khu nuôi dưỡng và chăm sóc Sếu đầu đỏ. Khu nuôi dưỡng và chăm sóc Sếu đầu đỏ gồm 4 chuồng: chuồng nuôi Sếu ghép đôi; chuồng nuôi Sếu non dưới 06 tháng tuổi; chuồng nuôi bán hoang dã gia đình Sếu hoàn chỉnh phục vụ tham quan nghiên cứu và tuyên truyền giáo dục môi trường và chuồng nuôi Sếu ghép cặp sinh sản. Hiện, Vườn đang khẩn trương thi công hệ thống chuồng nuôi Sếu đầu đỏ bắt cặp và chuồng ấp trứng Sếu cạnh hai bên chuồng nuôi Sếu non, mỗi bên chuồng có diện tích 280m2. Ngoài hệ thống chuồng nuôi, các hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: cấp thoát nước, cây xanh, thảm cỏ, đường nội bộ… của khu đang trong quá trình hoàn thiện.
Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh tư liệu:Nguyễn Văn Hùng
Qua kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy - Lê Quốc Phong chỉ đạo: Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đầy đủ các trang thiết bị y tế, thuốc men điều trị và thức ăn đặc trưng cho Sếu đầu đỏ; gắn thêm hệ thống camera đủ để giám sát bao quát các chuồng nuôi Sếu, trồng thêm cây xanh, tạo bóng mát và môi trường sinh thái phù hợp với điều kiện sinh sống của loài Sếu đầu đỏ; đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thiện hệ thống chuồng nuôi Sếu đầu đỏ bắt cặp và chuồng ấp trứng Sếu; tiếp tục triển khai phục hồi hệ sinh thái, bãi ăn, nghỉ ngơi của Sếu và các loài chim khác… Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Thái Lan hoàn tất hồ sơ thủ tục tiếp nhận chuyển giao và vận chuyển 2 cá thể Sếu đầu đỏ về Khu bảo tồn để nuôi dưỡng, chăm sóc… Vườn phải phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành Tỉnh và các nhà khoa học sớm vẽ lại Quy hoạch Khu trưng bày 15 loài Sếu khác nhau từ 3 - 4 ha, thiết kế quy hoạch khu A3 thành khu Tháp Mười thu nhỏ giai đoạn 2026 - 2030…
Ngày 03/11/2023, UBND tỉnh Đồng Tháp ra Quyết định phê duyệt “Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032”. Mục tiêu của Đề án phục hồi và phát triển đàn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Trong vòng 10 năm (giai đoạn 2022 - 2032), nuôi thả 100 cá thể sếu với tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn Sếu đầu đỏ thả ra sẽ có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và có thể sinh sống quanh năm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim. |
Trần Trọng Trung