Khu lịch Mỹ Phước Thành – một mô hình du lịch trên đất lúa tại Đồng Tháp
Một trong các khó khăn, vướng mắc của du lịch nông nghiệp hiện nay chủ yếu liên quan đến xây dựng các công trình phục vụ du lịch trên đất nông nghiệp và việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là các công trình kiên cố như cơ sở lưu trú, nhà vệ sinh, khu dịch vụ nên không đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, nhất là lưu trú qua đêm. Nhiều công trình phục vụ du lịch đã phải phá dỡ do xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng dẫn tới lãng phí...
Với việc ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Chính phủ đã cho phép làm du lịch trên đất nông nghiệp, đây là một bước ngoặc thúc đẩy phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch.
Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp một cách bài bản chuyên nghiệp để thu hút và giữ chân du khách khi trải nghiệm, khám phá du lịch nông nghiệp. Cụ thể, đối với việc phát triển du lịch trên đất nông nghiệp Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định các loại đất nông nghiệp và khu vực đất được quy hoạch cho mục đích nông nghiệp kết hợp với hoạt động du lịch.
Với phương châm đặt ra là “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch, đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” và mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Nghị quyết đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như:
(1) Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; (2) Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; (3) Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; (4) Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; (5) Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; (6) Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; (7) Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết trên, Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể và Du lịch tham mưu Kế hoạch cụ thể hoá với nhiều giải pháp trọng tâm, đồng bộ nhằm đưa Du lịch Đồng Tháp phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững, tái định vị thương hiệu du lịch Đồng Tháp gắn với nâng cao hình ảnh địa phương; nâng tỷ trọng và đóng góp của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế. Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh. Đến năm 2025 giá trị ngành du lịch đóng góp từ 5,0% – 6,0% trong tổng giá trị GRDP của Tỉnh.
KHÁNH VÂN